Thứ Ba, 24 tháng 4, 2018

Vài dòng suy nghĩ về tình hình chung của giáo dục cũng như tư duy của người Việt Nam


Gần đây mình hay suy nghĩ nhiều. Rất nhiều là đằng khác. Chuyện là mình coi trên mạng xã hội thì mới thấy rất nhiều người bức xúc về giáo dục Việt Nam. Người người cứ chê trách rằng ở Việt Nam, dạy học bị khuôn đúc, một màu, thiếu đi sự sáng tạo. Trong khi đó, những nước khác thì khuyến khích sự sáng tạo của con trẻ. Điều này có đúng không khi mọi người chỉ xem một video duy nhất về một cô bé đang luyện tập để tham gia cuộc thi kể chuyện diễn cảm và một cô bé ở Anh quốc đang tập tranh luận, để rồi đưa ra một kết luận vội vàng rằng giáo dục Việt Nam xuống cấp, suy thoái?

Mình vốn dĩ định viết cho dài dòng để ra lý lẽ, nhưng mình nhận ra tư duy của người Việt Nam còn quá cảm tính, chưa thật sự suy nghĩ một cách khách quan về một vấn đề  nào đó trong xã hội. Chính bản thân mình cũng thấy đôi khi có những hiện tượng mà bản thân mình cảm thấy rất bức xúc, phải mất một thời gian mình mới từ từ mà suy nghĩ một cách khách quan được. Vì vậy nếu mà mình viết một bài thật là dài, kiểu gì mình cũng sẽ bị lái đi cũng như rơi vào cạm bẫy cảm tính được giăng ra bởi những người khác. Mình rất sợ điều đó, ngoài ra, mình cũng rất sợ bị xúc phạm. Thật sự mà nói, chẳng ai muốn mình bị xúc phạm hay xỉa xói cả, nhưng những giá trị về đạo đức hay sự vị tha nó bị ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người, thật khó để tìm thấy và nói ra. Thêm một cái nữa là sự sĩ diện. Giá trị bề mặt ở Việt Nam rất lớn, khiến cho cái tôi của mỗi người trở nên quá lớn để có thể lắng nghe bất kỳ ai. Ở đây, mình đã học được cách hạ thấp mình, không phải là mình tự hạ bệ bản thân, mà đó là động tác mở lòng ra để đón nhận những ý kiến, lắng nghe những lời nói từ người khác. Mình nghĩ việc đó khiến cho mình trở nên bình tĩnh hơn trước những lời xúc phạm. Đôi khi trong những lời nói đó lại có chứa những nhận xét đúng đắn cho bản thân mình, thì khi bình tĩnh minh có thể học hỏi và phản hồi lại một cách thấu đáo hơn. Việc giảng dạy bộ môn tư duy phản biện rất cần thiết, ai ai cũng nói dạy mà sao chẳng thấy gì mới, nhiều người vẫn "mèo lại hoàn mèo" nhỉ?

Mà mình giờ cũng chẳng có sân si nữa rồi, không hiểu vì sao mình trở nên trầm tính như thế? Có phải là do lối sống của người Anh, hay là do mình vốn dĩ là một người hướng nội? Không phải là mình không muốn giao du, nhưng mình không nhìn thấy mục đích của những câu chuyện xã giao hay những cách thức giao tiếp đó sẽ mang đến cho mình những gì. Đôi khi vấn đề giao tiếp chỉ đơn giản (theo mình) là để vơi đi nỗi cô đơn thôi. Thực sự thì mình cũng không phải cô đơn đâu, bởi vì mình có những đứa bạn trọ tốt bụng, thẳng thắn và vui vẻ. Một điều mình thích ở người Anh là người ta không suy nghĩ nhiều về việc mình là ai, làm gì, cũng không nói xấu nhau, mà thay vào đó là một sự lịch sự và tôn trọng. Tuy nhiên, mình muốn nói là không phải lúc nào người Anh cũng như thế, vẫn có những người say xỉn, đánh nhau, dọa nạt, tệ nạn xã hội rất nhiều, nhưng trong môi trường làm việc và điều kiện của mình lúc bấy giờ thì mình rất hài lòng với những gì mình đang có.

Mình cũng rất buồn khi nghe nhiều người Việt Nam mất niềm tin vào giáo dục Việt Nam đến như thế. Mình vẫn rất đắn đo suy nghĩ, không biết mình sẽ làm được điều gì khi về Việt Nam. Nhưng rồi mình cũng nhận ra, mình yêu đất nước này, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Mình sẽ tìm mọi cách phát triển giáo dục Việt Nam, đó là nguyện vọng lớn lao của cuộc đời mình. Tất nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng sẽ hoàn hảo trên đường đi. Mình lại nhớ đến lời than phiền, cũng như những cách sống an phận của nhiều người, thậm chí là đến từ ba mẹ. Kiểu như ai đi về Việt Nam cũng muốn phát triển lắm nhưng rồi cuối cùng đâu lại hoàn đấy. Cuộc sống trở nên yên phận với những suất dạy IELTS TOEFL luyện thi đại học, mọi thứ như cuốn vào trong một guồng quay đã cũ kỹ. Mình không muốn điều đó sẽ mãi diễn ra, mình muốn có một sự khác biệt. Dù nhỏ hay to cũng phải làm một thứ gì đó cho cuộc đời, cho đất nước. Mình muốn ở một mình âu cũng vì như vậy, bởi khi ở một mình, mình không phải bị sự chi phối cũng như ảnh hưởng bởi những dòng suy nghĩ của đám đông. Và khi đó mình mới tìm thấy chính mình, là mình chứ không phải là ai khác, một điều gì đó đặc biệt, một Nguyên thật sự khác biệt, một Nguyên duy nhất, một Nguyên không phải là kỳ vọng hay khuôn mẫu của bất kỳ ai.

Trở lại vấn đề về giáo dục, mình đang hình thành trong đầu những dự định nhỏ nhoi, bắt đầu bằng việc xin vào làm tại trường ngoại ngữ. Nhưng mình vẫn lo, không biết liệu mình có thể xin vào không? Nếu không thì mình làm gì? Nếu rớt thì mình phải làm sao? Mình thật sự rất lo, mình chẳng biết mình sẽ đi về đâu nếu như không được làm giảng viên đại học. Ba mẹ vẫn nói với mình về những nghịch lý, góc khuất trong ngành như việc chạy chọt vào trong các cơ quan Nhà nước. Nó không bao giờ công khai bởi vì nó là một góc xấu, nhưng mình tin rằng vẫn có những vị trí cho những người trung thực, và điều đó không hề mất đi. Nhưng hiện nay cái sự xấu nó lại ảnh hưởng rất nhiều. Liệu còn người nhỏ bé này có thật sự làm nên chuyện lớn lao? Ôi mình nghĩ nhiều quá rồi.

Thôi thì mình cứ cố gắng, dù sao đi nữa mình vẫn phải thực hiện được giấc mơ của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét